Cứu: Phương pháp điều trị hiệu quả và độc đáo
Ngày nay, hầu như mọi người quên mất rằng cụm từ “châm cứu” có nghĩa là “châm” và “cứu”, với đa số cách hiểu của mọi người chỉ biết đến phần “châm” mà quên đi hoặc không biết đến phần “cứu” mà hiệu quả của nó trong nhiều trường hợp còn tốt hơn phương pháp châm bằng kim.
Cứu (đốt cứu = đốt ngải cứu) là đưa sức nóng tác động vào huyệt, là phương pháp trị liệu và ngăn ngừa các chứng bệnh bằng cách dẫn truyền sức nóng vào các huyệt đạo hoặc các vùng nhất định của cơ thể con người. Vật liệu chủ yếu là bột ngải cứu ép thành điếu (điếu ngải cứu) hay các viên nhỏ hình chóp hoặc trụ (mồi ngải cứu).
Cách chế ngải để đốt cứu: bột ngải cứu làm bằng lá ngải cứu khô, tán nhuyễn, lọc hết phần cọng, xơ, chỉ lấy phần thịt lá. Phần bột ngải cứu này được dùng để tạo hình các đốt cứu có hình dạng và kích thước khác nhau: hình trụ dài như điếu xì gà, viên nhỏ để gắn đầu kim, hạt đậu… Có thể dùng bột ngải cứu đơn thuần hoặc pha thêm bột dược liệu khác như xạ hương, quế…
Phương pháp đốt cứu có tác dụng như thế nào?
Ngải cứu khi cháy hơ ấm lên cơ thể tạo cảm giác nóng dịu, đồng thời ngấm sâu vào trong da, tác động đến huyệt tạo cảm giác thoải mái, hiệu quả trong điều trị tỏa ra mùi thơm đặc trưng.
Sức nóng: sử dụng sức nóng (nhiệt) để trị liệu ngày nay rất phổ biến với nhiều cách khác nhau như bức xạ hồng ngoại (từ đèn hồng ngoại), chườm nóng bằng túi nước nóng, ngâm parafin, đông y cũng có phương pháp chườm thảo dược. Nhưng điểm khác của phương pháp đốt cứu với các phương pháp kể trên đó là hiệu quả sức nóng sẽ gia tăng gấp bội nếu tác động làm nóng lên một điểm chính xác rất nhỏ của cơ thể là huyệt đạo, có đặc tính trị bệnh, làm dịu đau đối với nhiều chứng bệnh khác nhau đã được người ta biết đến hàng ngàn năm qua. Tác dụng ở đây đến từ sự kết hợp của sức nóng và hiệu quả phản xạ trị liệu của châm cứu. Như vậy, việc sử dụng sức nóng tại một điểm chính xác gọi là huyệt thay vì sử dụng sức nóng trên một diện tích rộng như đèn hồng ngoại sẽ tăng cường tác dụng gấp nhiều lần.Theo các nguyên lý của thần kinh, những kích thích bên ngoài khi tới da đều được những dây thần kinh ở nơi bị kích thích đưa về não. Kích thích bởi nhiệt cũng vậy. Ngải cứu khi cháy đỏ tạo ra sức nóng từ 500 – 6000C, thuộc thành phần tia hồng ngoại trong dải quang phổ. Khi được giữ ở khoảng cách phù hợp bên trên làn da thì mồi ngải không tạo ra bất cứ cảm giác khó chịu nào, không để lại dấu vết gì trên da.
Y học cổ truyền coi hai phương pháp châm và cứu có tầm quan trọng ngang nhau. Châm thường sử dụng trong điều trị bệnh thuộc thực (mới bị bệnh), bệnh thuộc nhiệt (nóng); cứu thường sử dụng trong bệnh lý thuộc hư (bệnh đã lâu), bệnh thuộc hàn (lạnh). Theo học thuyết âm dương, nếu gọi châm là dương thì cứu là âm, cho nên cứu chịu nửa phần trách nhiệm trong việc trị bệnh. Từ thời thượng cổ, việc đốt cứu đã phát triển mạnh tại Á châu: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc. Trong nhiều thời đại lịch sử Trung Quốc, việc trị bệnh bằng châm kim nhiều khi phải nhường bước cho việc trị bệnh bằng đốt cứu.